Luật lao động là một trong những luật nằm trong luật pháp nước ta. Luật được ban hành để điều chỉnh các mối quan hệ lao động, các mối quan hệ phát sinh trong quá trình lao động và sử dụng lao động. Cùng tìm hiểu rõ hơn về bộ luật này qua bài viết sau nhé.
Luật lao động là gì?
Ngành luật nước ta rất đa dạng bao gồm luật hình sự, luật dân sự, luật hàng hải, luật kinh doanh, luật doanh nghiệp, luật bảo vệ môi trường và hàng trăm bộ luật khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình quản lý cũng như quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể trong xã hội.
Luật lao động là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật nước ta, bao gồm những quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh mối quan hệ lao động giữa những người lao động và người trực tiếp sử dụng lao động cùng những quan hệ xã hội khác có liên quan đến quan hệ lao động.
Bộ Luật lao động 2019 của nước ta quy định rõ quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người đại diện lao động và các quan hệ xã hội khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động, đến những đối tượng được quy định trong bộ luật.
Bộ Luật lao động đầu tiên của nước ta được ra đời vào ngày 01/01/1995 đã mang đến một bước tiến mới trong việc xác lập quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Cuộc sống ngày càng hiện đại và phát triển đòi hỏi bộ Luật lao động cần được thay đổi và ban hành lại nhiều lần để bổ sung, hoàn thiện bảo đảm quyền và lợi ích cho các quan hệ lao động phát sinh.
Nội dung chủ yếu trong bộ Luật lao động
Như đã nói ở trên, Luật lao động quy định về tiêu chuẩn lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của những đối tượng tham gia vào quan hệ lao động – ở đây là người lao động và người sử dụng lao động. Những nội dung trong Luật lao động hiện nay của nước ta bao gồm:
Về thẩm quyền trong giao kết hợp đồng lao động
Người được thay mặt tổ chức, doanh nghiệp ký hợp đồng với người lao động bao gồm: Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp hoặc người ủy quyền của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; người đứng đầu cơ quan.
Luật lao động loại hợp đồng áp dụng cho người lao động
Quy định rõ hai loại hợp đồng lao động là: Hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Quy định rõ người lao động và người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng và các trường hợp, điều kiện để chấm dứt hợp đồng đơn phương.
Về chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ
Luật lao động quy định rõ khoản tiền lương khi làm thêm giờ vào ngày thường, ngày nghỉ và ngày lễ. Thời gian làm vào ban đêm và làm thêm vào ban đêm cũng được quy định rất cụ thể trong luật này.
Về các chế độ với tiền lương (nâng lương, thưởng, phụ cấp…)
Được quy định tại điều 103 và 104 của luật. Trong đó ghi rõ các khoản lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp được ghi rõ trong thỏa thuận ở hợp đồng lao động của người lao động và người sử dụng lao động. Còn về chế độ thưởng thì dựa vào từng giai đoạn và kết quả sản xuất mà người sử dụng lao động đưa ra những quy chế, quy định riêng.
Luật lao động về thời gian làm và nghỉ ngơi
Thời gian làm việc bình thường không được quá 8h/ngày và không quá 48h/tuần. Không được làm thêm quá 200h/năm. Thời gian nghỉ ngơi mỗi tuần ít nhất 24h/tuần, nghỉ lễ tết là 11 ngày, nghỉ hàng năm là 12 ngày/12 tháng, cứ đủ 5 năm làm việc thì số ngày nghỉ của người lao động sẽ tăng thêm 1 ngày.
Chế độ nghỉ thai sản trong Luật lao động
Luật quy định lao động nữ nghỉ thai sản trong khoảng thời gian 6 tháng trước và sau khi sinh con, thời gian nghỉ trước sinh là 02 tháng. Người lao động nam khi có vợ sinh, người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ nghỉ thai sản theo quy định của bảo hiểm xã hội.
Về chế độ bảo hiểm
Người sử dụng lao động có trách nhiệm bắt buộc trong việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả người lao động, trong khoảng thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng xã hội không có trách nhiệm trả lương cho họ.
Luật lao động về số tuổi được về nghỉ hưu
Độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam sẽ cao hơn tuổi nghỉ hưu của nữ. Cụ thể quy định 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035 và được điều chỉnh theo lộ trình cụ thể. Đối với những người lao động làm trong môi trường nguy hiểm, độc hại thì được quyền nghỉ hưu sớm không quá 05 tuổi theo các quy định cụ thể của xã hội.
Đối tượng điều chỉnh bộ Luật lao động là gì?
Đối tượng điều chỉnh của Luật lao động là: Các mối quan hệ xã hội về quan hệ trong lao động và các mối quan hệ phát sinh trong cả một quá trình sử dụng lao động bao gồm: quan hệ về việc làm, quan hệ về bồi thường thiệt hại, quan hệ học nghề, quan hệ về bảo hiểm xã hội, quan hệ quản lý lao động, quan hệ giải quyết tranh chấp lao động.
Phương pháp sử dụng để điều chỉnh Luật lao động
Trong các văn bản luật đã quy định rõ các phương pháp điều chỉnh Luật lao động được sử dụng bao gồm:
Phương pháp điều chỉnh theo thỏa thuận
Là phương pháp điều chỉnh quan trọng được sử dụng trong việc thiết lập quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động (ký kết hợp đồng lao động, tái ký hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động…)
Phương pháp này xuất phát từ nguyên tắc của quan hệ lao động là tự do, tự nguyện, bình đẳng, nên khi tham gia vào quan hệ lao động, các bên sẽ cùng thỏa thuận mọi vấn đề liên quan trong suốt quá trình lao động trên cơ sở bình đẳng và tự nhiên, đảm bảo hai bên cùng có lợi. Đồng thời cũng quy định rõ những quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể của mỗi bên.
Phương pháp mệnh lệnh
Là phương pháp dùng để xác định nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Trong quá trình lao động, người sử dụng lao động có quyền kiểm tra, giám sát công việc của người lao động, có quyền điều chuyển lao động, có quyền ban hành nội quy lao động, có quyền tăng thêm thời gian làm thêm của người lao động, với điều kiện phải báo trước và người lao động.
Phương pháp tác động xã hội
Phương pháp này được thực hiện thông qua hoạt động của các tổ chức, cơ quan đoàn thể để tác động vào các quan hệ phát sinh trong quá trình lao động. Là phương pháp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình lao động liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, tham gia theo một mức độ nhất định nhằm đảm bảo tính tự chủ của người sử dụng lao động.
Các điểm cần đặc biệt chú ý trong Luật lao động
Một số điểm trong Luật lao động 2019 cần chú ý để đảm bảo quyền và lợi ích cho chúng ta – những người lao động như sau:
Tiền lương thử việc phải bằng 85% lương chính thức
Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp để mức lương thử việc của người lao động chỉ khoảng 60 – 75% lương chính thức. Điều này là sai với pháp luật hiện hành, người sử dụng lao động sẽ bị phạt nếu như người lao động báo với cơ quan chức năng.
Luật lao động quyết định thời gian đang thử việc
Thời gian thử việc không được quá 60 ngày với những công việc có chức danh nghề nghiệp cần phải đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật ít nhất là cao đẳng trở lên, không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp và không quá 30 ngày đối với những công việc cần trình độ kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
Quy định về việc người lao động chủ động đơn phương chấm dứt hợp đồng
Người sử dụng lao động sẽ được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp: người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do quá 05 ngày liên tục, người lao động thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ được giao, người lao động không có mặt trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng quá 15 ngày.
Người lao động nếu cung cấp thông tin không đảm bảo trung thực làm ảnh hưởng đến quá trình tuyển dụng của người sử dụng lao động…Ngoài các lý do trên, nếu như người sử dụng lao động cho bạn nghỉ không có lý do chính đáng hay không có chứng cứ chứng minh là bạn sai thì bạn có thể trình bày sự việc lên công đoàn để đòi lại quyền lợi cho bản thân mình.
Quy định trong Luật lao động về đóng bảo hiểm
Các tổ chức, doanh nghiệp sẽ không phải đóng bảo hiểm cho người lao động khi đang ký hợp đồng thử việc, hợp đồng học việc. Nhưng ngay khi ký hợp đồng chính thức, người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ngay để đảm bảo lợi ích của họ.
Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động là 31%, trong đó người lao động sẽ đóng ở mức 10,5% và người sử dụng lao động sẽ đóng mức còn lại là 20,5%. Quy định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2022.
Kết luận
Như vậy bài viết đã cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin quý giá liên quan đến bộ Luật lao động hiện hành, mong rằng sau khi đọc bài bạn sẽ biết được những quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào quan hệ lao động, từ đó có những kiến thức về luật pháp cho bản thân khi tham gia ký kết các hợp đồng lao động.